Người già thường gặp nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe do ảnh hưởng bởi tuổi tác. Vì thế, thiết kế nhà ở cho người cao tuổi cần đáp ứng các điều kiện cần thiết phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, sở thích và tình trạng sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 lưu ý quan trọng khi thiết kế nhà ở cho người cao tuổi để các gia chủ tham khảo.
1. Tính an toàn
Tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam ước tính vào những năm gần đây đạt trên 10%. Theo dự đoán đến năm 2025, số lượng người cao tuổi trên thế giới sẽ đạt xấp xỉ 2 tỷ người. Sở dĩ có sự gia tăng đáng kể như vậy là do khoa học ngày càng phát triển, y học ngày càng tiến bộ, đời sống của con người dần được cải thiện về chất lượng nên tuổi thọ cũng tăng theo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm. Người cao tuổi vẫn có nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương, thiếu máu não, trí nhớ kém, lãng tai, mắt mờ, nhồi máu cơ tim, gan thải độc kém… Đặc biệt, vì hệ thống kháng thể, miễn dịch bị suy giảm theo tuổi tác nên người già rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm da, viêm họng,… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tâm lý nên người cao tuổi có thể mắc một số bệnh về tâm thần như trầm cảm, lo âu, stress,….
Những vấn đề về sức khỏe nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi. Quá trình vận động bị hạn chế cần có người hỗ trợ; việc đi lại, di chuyển trở nên khó khăn hơn; chỉ cần đứng lên ngồi xuống cũng có thể bị chóng mặt, mất thăng bằng, dễ trượt ngã. Do vậy, tính an toàn trong nhà ở của người cao tuổi là yếu tố quan trọng cần được đặt lên hàng đầu.
Cụ thể, tại các vị trí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như ban công, lô gia, cầu thang,… phải có lan can, tay vịn đủ chiều cao tiêu chuẩn, đảm bảo chắc chắn, chịu lực tốt. Lan can ban công an toàn trong xây dựng nhà ở tối thiểu nên thiết kế từ 1.1 mét trở lên, khoảng cách giữa các thanh dọc của lan can phải có khoảng cách không quá 100mm, như vậy mới đảm bảo độ an toàn cho người cao tuổi khi sinh hoạt tại các khu vực ban công và logia.
Đối với cầu thang, nhất định phải thiết kế ít nhất 1 tay vịn khi có người cao tuổi sử dụng. Nếu cầu thang rộng bằng hoặc hơn 1200mm thì phải làm 2 tay vịn để đảm bảo độ chắc chắn khi di chuyển. Chiều cao thẳng đứng của tay vịn từ 900 – 1000mm tính từ mũi bậc thang. Bên cạnh đó, độ rộng của một vế thang không nên nhỏ hơn 90cm, thiết kế này sẽ giúp người già trong trường hợp phải di chuyển bằng cầu thang sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Độ rộng của mặt cầu thang từ 25 – 30cm là hợp lý. Dù vậy, nên ưu tiên bố trí các không gian người cao tuổi thường xuyên sử dụng ở tầng 1 để đảm bảo an toàn vì cầu thang là một trong những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm, dễ gây trượt ngã đối với người già.
Những khu vực dễ bị ướt như phòng vệ sinh, sân vườn, sân phơi, tiền sảnh,… cần sử dụng vật liệu lát nền chống trơn trượt, nên lắp thêm phụ kiện tay vịn gắn tường cao khoảng 1,3m giúp hỗ trợ người già khi di chuyển. Phòng tắm cần thiết kế phân chia khu vực khô ướt và bố trí ghế giúp người già sinh hoạt thuận tiện. Hệ thống đèn trong nhà nên được bố trí hợp lý, vừa đảm bảo đầy đủ ánh sáng, vừa không gây chói mắt, không ảnh hưởng tới thị giác của người cao tuổi.
Thiết kế phòng người già nên đơn giản, nhưng không vì thế mà sơ sài, cần có sự nghiên cứu sao cho phù hợp với sở thích và tâm lý của ông bà. Điểm lưu ý đối với không gian này đó là không leo cao, dễ di chuyển, thuận tiện trong quá trình đi lại.
2. Tính tiện lợi
Nội thất không gian sinh hoạt của người già cần đảm bảo tính tiện lợi, hạn chế góc cạnh dễ xử lý và bảo trì. Tránh những chi tiết trang trí phức tạp không cần thiết. Đặc biệt, với các cụ dễ lẫn, hay quên, các gia đình nên chú ý sắp xếp đồ đạc đúng chỗ. Những khu vực như bếp, phòng khách nên tuân theo nguyên tắc gọn gàng, khoa học, ngăn nắp, để dễ nhìn, dễ lấy và dễ nhớ. Ví dụ như lắp giá để điều khiển tivi, điều khiển quạt, điều hòa ở gần tầm với để người cao tuổi không mất nhiều công sức tìm kiếm trong quá trình sử dụng.
Vị trí nhà vệ sinh là một trong những điều mà gia chủ nên lưu tâm khi thiết kế nhà dành cho người cao tuổi. Nhà tắm nên nằm ở vị trí thuận tiện đi lại, thường là bên trong hoặc ngay cạnh bên ngoài phòng ngủ. Chậu rửa mặt không nên lắp quá cao, khoảng cách từ sàn đến chậu rửa nằm trong khoảng từ 80cm đến 90cm là phù hợp. Khi thiết kế nhà vệ sinh cho người cao tuổi nên điều chỉnh bồn cầu cao khoảng 46cm, không quá cao, không quá thấp. Cửa ra vào phòng tắm và nhà vệ sinh phải dễ mở. Nên chọn tay nắm cửa gạt thay vì núm vặn do khi tay trơn ướt sẽ khó sử dụng các núm cửa tròn.
3. Tính riêng tư
Mặc dù tâm lý chung, người già thích gần gũi, giao lưu cùng con cháu, nhưng gia chủ cần bố trí phòng riêng cho họ. Người già thường suy nghĩ và lo lắng nhiều thứ nên việc có phòng riêng sẽ giúp người cao tuổi thoải mái về tâm lý cũng như sinh hoạt cá nhân hơn. Không những thế, sở hữu riêng một không gian tĩnh lặng giúp đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho người cao tuổi. Vì thế, nên bố trí phòng ngủ của người lớn tuổi ở những khu vực không ồn ào, tránh đặt gần những nơi gây tiếng ồn như phòng karaoke, phòng kỹ thuật, phòng giặt đồ,… của gia đình. Gia chủ có thể tính toán đến các phương án thiết kế cách âm tường để lọc bớt âm thanh, tạo sự yên tĩnh cho không gian nghỉ ngơi của người cao tuổi. Tuy nhiên, vẫn cần lắp đặt thêm các thiết bị cảnh báo trong phòng để người cao tuổi có thể liên lạc với các thành viên khác của gia đình trong những trường hợp khẩn cấp.
4. Sự kết nối với các thành viên khác
Bên cạnh việc thiết kế, xây được căn nhà phù hợp với nhu cầu và lối sống sinh hoạt của người lớn tuổi, các gia đình cũng cần chú ý đến yếu tố kết nối người già với các thành viên khác. Nên thiết kế những không gian sinh hoạt chung như phòng khách, sân vườn để người cao tuổi có nhiều cơ hội trò chuyện bên con cháu, giúp cả nhà quây quần bên nhau.
Việc được quan tâm về sức khỏe tinh thần sẽ giúp người cao tuổi trở nên vui vẻ lạc quan hơn, góp phần kéo dài tuổi thọ, hạn chế ảnh hưởng của bệnh tật tuổi già, đồng thời gia tăng chất lượng cuộc sống.
5. Hài hoà với thiên nhiên
Khi thiết kế cảnh quan sân vườn cho người già, gia đình nên chú ý đến sự bằng phẳng, không để chỗ cao chỗ thấp, tránh vấp ngã. Nên trải thảm cỏ nhân tạo, vừa đẹp mắt vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng di di chuyển. Hoặc có thể ốp đá trong trơn, vừa phù hợp với không gian ngoài trời, vừa đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người già.
Với các gia đình không có sân vườn, gia chủ có thể thiết kế riêng một không gian cây cảnh ngay tại ban công để các cụ được hưởng thú vui ở nhà như chăm cây, nuôi chim thú.
Sự khác nhau về độ tuổi sẽ dẫn tới sự khác nhau về tâm lý, sức khỏe, sở thích,… dẫn đến những yêu cầu riêng về thiết kế nội thất. Do vậy, việc thiết kế nhà cho người cao tuổi ở riêng hay sống chung cùng con cái cần được chú trọng về tính an toàn, tính tiện lợi, tính riêng tư, sự kết nối với các thành viên khác và hài hòa thiên nhiên. Hy vọng rằng 5 lưu ý quan trọng được tổng hợp phía trên sẽ phần nào giúp gia chủ thiết kế được không gian phù hợp cho ông bà, bố mẹ, yên tâm báo hiếu, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người lớn tuổi trong gia đình.